TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM TRƯỜNG CAO ĐẲNG ĐIỆN LỰC MIỀN TRUNG Số: 708/QĐ-CĐĐLMT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập- Tự do- Hạnh phúc Quảng Nam, ngày25 tháng 6 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế thực tập tốt nghiệp của học sinh, sinh viên
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG ĐIỆN LỰC MIỀN TRUNG
Căn cứ Quyết định số 3017/QĐ-BGD&ĐT ngày 19/06/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung trên cơ sở Trường Trung học Điện 3;
Căn cứ quyết định số 25/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo v/v Ban hành Quy chế đào tạo cao đẳng chính quy;
Căn cứ quyết định số 40/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 01/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo v/v Ban hành Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy;
Căn cứ quyết định số 14/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội v/v Ban hành quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề hệ chính quy;
Xét đề nghị của ông Trưởng phòng Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực tập tốt nghiệp của học sinh, sinh viên.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và được áp dụng cho các hệ, ngành đào tạo trong Nhà trường.
Điều 3: Các trưởng đơn vị trong nhà trường chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: -Như điều 3. -Lưu VT,ĐT | HIỆU TRƯỞNG Nguyễn Xuân Bản (Đã ký) |
=======================================
QUY CHẾ THỰC TẬP TỐT NGHIỆP CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-CĐĐLMT ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Trung)
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1-Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định trình tự thực hiện để đảm bảo việc tổ chức quản lý chặt chẽ việc thực tập tốt nghiệp (viết tắt: TTTN) của học sinh, sinh viên (viết tắt: HSSV), có kế hoạch, có chất lượng, có kiểm soát và được đánh giá.
2-Đối tượng áp dụng:
Tất cả HSSV, giảng viên, khoa, phòng liên quan đến việc tổ chức và thực hiện các đợt TTTN của HSSV nhà trường.
Điều 2: Lập danh sách HSSV đi TTTN:
Trước đợt thực tập 2 tháng, phòng Đào tạo căn cứ các quy chế đào tạo và kết quả học tập, rèn luyện của HSSV để lập danh sách HSSV đủ điều kiện tham gia đợt TTTN.
Điều 3: Liên hệ tìm địa điểm TTTN:
1. Đối với trường hợp HSSV tự liên hệ địa điểm TTTN:
Sau khi có danh sách HSSV đủ điều kiện đi TTTN, phòng Đào tạo thông báo đến HSSV kế hoạch TTTN và gởi danh sách để HSSV đăng ký tự liên hệ địa điểm TTTN (theo mẫu 1).
-Trước đợt TTTN 45 ngày, HSSV nộp bảng danh sách đăng ký tự liên hệ được địa điểm TTTN về phòng Đào tạo. Trên cơ sở đó phòng Đào tạo sẽ tổng hợp và xử lý cụ thể theo hướng sau:
+Phối hợp với các khoa xem xét các địa điểm mà HSSV tự liên hệ có đáp ứng yêu cầu của đợt thực tập hay không để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận địa điểm mà HSSV tự liên hệ.
+Nếu địa điểm TTTN được chấp nhận, phòng Đào tạo sẽ thông báo cho HSSV biết để làm đơn xin thực tập tốt nghiệp (theo mẫu 2), xin xác nhận chấp thuận của địa điểm TTTN và gởi về phòng Đào tạo trước đợt TTTN 1 tháng.
-Trước đợt TTTN 20 ngày, trên cơ sở mục tiêu của khoá đào tạo, yêu cầu chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất của địa điểm TTTN, các khoa xây dựng đề cương TTTN chi tiết. Phòng Đào tạo gởi công văn, kèm theo đề cương TTTN chi tiết đề nghị cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ cho HSSV đến thực tập.
2. Đối với trường hợp HSSV không tự liên hệ địa điểm TTTN được hoặc HSSV đào tạo theo yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp.
-Trước 45 ngày khi đợt TTTN bắt đầu, căn cứ vào số lượng HSSV, nội dung đợt thực tập, phòng Đào tạo có kế hoạch liên hệ, tìm kiếm cơ quan doanh nghiệp, địa điểm TTTN thích hợp.
-Căn cứ thông tin phản hồi, phòng Đào tạo thông báo cho các khoa lập đề cương TTTN chi tiết.
-Trước 1 tháng khi đợt TTTN bắt đầu, Phòng Đào tạo có công văn, hợp đồng, đề cương, danh sách HSSV gởi đến cơ quan, doanh nghiệp, địa điểm TTTN.
Điều 4: Quyết định phân nhóm thực tập và giảng viên theo dõi:
Trước đợt TTTN 2 tuần, căn cứ vào thông tin về địa điểm TTTN, phòng Đào tạo phối hợp với các khoa phân công giảng viên theo dõi, phân nhóm sinh viên thực tập, phân công trưởng nhóm, soạn thảo quyết định triển khai TTTN trình Hiệu trưởng phê duyệt.
Trước đợt TTTN 1 tuần, phòng Đào tạo tập trung HSSV để phổ biến các nội dung liên quan đến đợt thực tập tốt nghiệp.
Điều 5: Gởi HSSV đến nơi thực tập và theo dõi quá trình thực tập:
Theo Quyết định đã có, giảng viên theo dõi có trách nhiệm hướng dẫn để HSSV đến cơ quan TTTN.
Trong tuần đầu thực tập, giữa và cuối đợt thực tập, các trưởng nhóm báo cáo tình hình thực tập cho giảng viên theo dõi bằng văn bản (theo mẫu 3) và giảng viên theo dõi báo cáo tình hình TTTN của nhóm mình phụ trách bằng thư điện tử cho khoa (theo mẫu 4).
HSSV có thể gởi báo cáo tình hình thực tập qua đường bưu điện hoặc thư điện tử.
Điều 6: Viết báo cáo thực tập tốt nghiệp:
Cuối đợt TTTN, HSSV phải hoàn thành báo cáo về công việc đã thực hiện trong đợt thực tập (theo mẫu 5).
Kèm theo báo cáo thu hoạch phải có nhật ký thực tập (theo mẫu 6).
Báo cáo thu hoạch phải có đánh giá, xác nhận của cơ quan nơi TTTN(theo mẫu 7).
Nội dung báo cáo thực tập tốt nghiệp, nhật ký thực tập tốt nghiệp phải viết bằng tay.
Điều 7: Thi phần Thực tập tốt nghiệp:
TTTN là 1 học phần (môn học) trong chương trình đào tạo, có hình thức thi là vấn đáp, thực hiện thi phần thực tập tốt nghiệp đúng các quy chế đào tạo hiện hành.
Điều 8. Triển khai thực hiện
Trưởng các khoa chịu trách nhiệm triển khai thực hiện văn bản "Quy chế thực tập tốt nghiệp của học sinh, sinh viên” đối với giảng viên thuộc đơn vị mình. Phòng Đào tạo tổ chức quán triệt trong sinh viên. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, các đơn vị góp ý để Nhà trường xem xét, sửa đổi kịp thời