Càng gần ngày này thì những cuộc gọi, những tin nhắn từ những thế hệ học trò cũ nhiều hơn hẳn, đó là những lời hỏi thăm về công việc, cuộc sống, sức khỏe và sau đó là chuỗi câu chuyện về những kỷ niệm lứa tuổi học trò. Câu chuyện không chỉ lúc ngồi ở ghế nhà trường mà còn là những cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa thầy và trò trong các đợt huấn luyện bồi dưỡng nghề, huấn luyện ATVSLĐ và ATĐ hay những cuộc hẹn có định trước của các thế hệ đã trường cách đây 10 năm, 20 năm … và lâu hơn nữa.
Bên cạnh niềm hân hoan là những điều trăn trở, làm sao vẫn giữ được nhiệt huyết để giữ vững thương hiệu và ngày càng nâng cao hơn theo ngày tháng, làm sao níu giữ người học trong thời kỳ kiến thức là thế giới phẳng, một thế giới kết nối không giới hạn, việc học của mọi người sẽ ở một trạng thái tốt nhất, người học có xu hướng bỏ qua những nơi tồi tệ và đến với những điểm tốt hơn, có lòng nhiệt huyết hơn. Nếu như mọi chuyên môn, kỹ năng đều có thể học hỏi trong một thế giới phẳng, ai nấy đều giống nhau, thì cơ hội sẽ chỉ thuộc về những người có đam mê và lòng nhiệt huyết. Vậy thì tại sao chúng ta không thay đổi để thấy mình không tụt hậu, để tình yêu nghề không bị bào mòn, chán nản và để không thấy cực kỳ hối hận sau khi mình về hưu quay nhìn lại dấu ấn nghề nghiệp hầu như không có gì ngoài những giải thưởng, ngoài những bằng khen.
Nghề giáo ngày càng nhiều sự quan tâm của xã hội, người giáo viên càng nhiều sự áp lực trước đòi hỏi ngày càng cao. Đất nước đang trong hội nhập và phát triển, phương pháp học tập của chúng ta không thể vẫn ở trong thời kỳ của thập niên trước được. Vậy ta cần phải làm gì? Đây là một câu hỏi rất khó, tôi có thăm dò sinh viên, làm thế nào để mỗi ngày đi lên giảng đường là một ngày hạnh phúc, thì nhận được nhiều ý kiến và tôi tổng hợp được có 5 yếu tố để tạo nên một trường học hạnh phúc. Một là Niềm vui: vui trong học tập, trong các mối quan hệ, được trân trọng, được ghi nhận; Hai là sự Thân thiện: mối quan hệ giữa học trò và thầy cô không bị ngăn cách bởi những suy nghĩ, tuổi tác hay quan điểm, sẳn sàng chia sẽ như những người thân thiết nhất và luôn dùng một tâm hồn chân thành nhất để thấu hiểu và trân trọng lẫn nhau; Ba là Chất lượng: một môi trường giáo dục phải đi liền với chất lượng, chất lượng ở đây không dừng lại là cung cấp cho học sinh kiến thức mà còn giáo dục học sinh trở thành những con người có đạo đức, xác định cho sinh viên sứ mệnh, trách nhiệm, dạy cho sinh viên cách làm những điều mình muốn, dạy cách chứng minh bản thân mình trong xã hội; Bốn là Sự an toàn, khi đến trường phải cảm nhận được sự an toàn, không có bất kỳ những nỗi sợ hãi nào. Cuối cùng là cái đẹp, cái đẹp ở đây là ghế đá sân trường, những phòng học và quan trọng hơn cả đó là cái đẹp trong tâm hồn của mỗi con người.
Đối với một ngôi trường, người học rất quan trọng nên để có thể tạo nên một môi trường hạnh phúc thì chúng ta phải làm cho học trò được hạnh phúc. Với đặc điểm của sinh viên trường cao đẳng, với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, với rất nhiều dân tộc khác nhau tụ hội, với sự bất đồng của tuổi trẻ, thì đôi khi mâu thuẫn với nhau là điều không thể tránh khỏi, khi xảy ra vấn thì sự bao dung, tìm hiểu rõ ràng hoàn cảnh, hiểu rõ bản chất của học trò và đặt niềm tin đúng chỗ sẽ luôn là có tác dụng rất to lớn đối với những sinh viên lỡ lầm sai phạm, nếu các em bị đuổi học thì tương lai con sẽ đi về đâu. Chúng ta không để sinh viên cảm thấy lạc lõng giữa chốn đông người, ngại giao tiếp để rồi mỗi ngày đến trường là những tháng ngày nặng nề, không muốn đi học, tụ thu mình, có những giây phút cảm thấy hụt hẫng trong chính cuộc đời. Hãy làm sao để các em khi bước vào ngôi trường mới, với những người bạn đáng yêu, một GVCN đầy tâm lý, kéo các em ra khỏi sự cô đơn, tham gia các hoạt động xã hội, tự tin chia sẽ ý kiến của bản thân trước đám đông, cười nhiều hơn và hạnh phúc cũng nhiều hơn. Chúng ta hãy làm sao để người học trò cảm thấy được sự yêu thương, được tin tưởng của giáo viên. Như vậy người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà trước hết phải là nhà tâm lý, là nhà giáo dục, truyền cảm hứng, truyền niềm tin để các em tin tưởng vào con đường học vấn, vào công việc trong tương lai mà em đã chọn, tình thương yêu và sự chân thành của thầy cô giáo sẽ mang lại hạnh phúc và chính tình thương yêu đó là mang lại cuộc đời tốt đẹp cho học sinh của mình. Như vậy cần thay đổi và nâng cao năng lực nhận thức về tâm lý học cho mỗi thầy cô giáo, để tự quản lý cảm xúc của mình, tự chuyển hóa cảm xúc của mình để thấu hiểu, tôn trọng và từ đó yêu thương học trò, biết chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Khi tự giải quyết những vấn đề một cách thỏa đáng, giải quyết được những sự cố thì thầy cô giáo hạnh phúc hơn và có giá trị hơn.
Chúng ta sẽ hạnh phúc, xúc động đến nhường nào khi bẵng đi một khoảng thời gian dài những người học đó tìm lại mình để cảm ơn vì sự bao dung để cuộc đời các em được bước trên con đường tươi đẹp, đó chính là niềm tự hào của người nhà giáo. Niềm vui của những người làm thầy làm cô chúng tôi đơn giản lắm: đó là sự trưởng thành trong chuyên môn, đời sống và cả thành đạt trong sự nghiệp; hay chỉ cần các em hssv nhắn tin ngoài giờ hỏi về những vấn đề trong bài học buổi sáng, một bài tập các em còn vướng mắc, hoặc là những lới tâm sự của các em gặp phải trong cuộc sống mà tuổi trẻ với sự thiếu từng trải gặp phải. Nhữnng điều đơn giản vậy thôi nhưng cũng đủ làm cho bản thân mỗi người chúng tôi ấm lòng.
Lê Thị Nhung- Giảng viên Khoa Điện